Tin tức

Cơ giới hóa nông nghiệp Việt Nam: Nhiều điểm yếu cần khắc phục

Cơ giới hóa nông nghiệp Việt Nam: Nhiều điểm yếu cần khắc phục

NGND, TS.PHAN HIẾU HIỀN, nguyên là giảng viên Khoa Cơ khí – Công nghệ, nguyên Giám đốc Trung tâm Năng lượng và Máy nông nghiệp, Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh. Hơn 30 năm giảng dạy, thầy luôn tận tụy nghiên cứu và truyền đạt cho các thế hệ sinh viên và trăn trở về việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp để Việt Nam không bị tụt hậu.

Đã ở tuổi 68, người thầy này vẫn ngược xuôi, khi thì về đồng bằng sông Cửu Long, khi lên các tỉnh Tây Nguyên, khi đến Đồng Nai cùng nông dân ra đồng tìm hiểu các loại máy nông nghiệp, khi thì lên diễn đàn chia sẻ những vấn đề liên quan đến cơ giới hóa...

CẦN THAY ĐỔI TỪ CÔNG TÁC NGHIÊN CỨU, ĐÀO TẠO

Ông từng cho rằng, từ nghiên cứu và đào tạo sai là một trong những nguyên nhân khiến cơ giới hóa nông nghiệp của Việt Nam vẫn ì ạch suốt mấy chục năm qua, ông có thể chia sẻ thêm về vấn đề này?

- Trong 50 năm, các trường đại học cả nước đào tạo trên 8 ngàn kỹ sư cơ khí nông nghiệp. Năm 2015, TS. Nguyễn Văn Khải của Trường đại học Cần thơ phỏng vấn trực tiếp 34 trung tâm khuyến nông của cả nước thì chỉ có 7 kỹ sư cơ khí làm việc ở các Trung tâm khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Số lượng kỹ sư cơ khí nông nghiệp làm việc trong nhà tại các nhà máy chế tạo máy nông nghiệp, viện nghiên cứu và trường đại học không quá 200 người. Tổng số kỹ sư cơ khí nông nghiệp làm đúng ngành học chiếm không quá 3% số lượng đào tạo, còn lại đều làm cho các ngành cơ khí khác. Phải có sai lầm gì đó để giải thích chỉ 3% “sản phẩm” được sử dụng đúng mục đích.

TS. Phan Hiếu Hiền sinh năm 1948 ở Huế, từng du học tại g đại học nông nghiệp Sài Gòn. Năm 2008, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân.Philippines về ngành cơ khí nông nghiệp và kỹ thuật năng lượng. Năm 1974, ông bắt đầu giảng dạy tại Trườn

Về công tác nghiên cứu, từ năm 1980, ông và các cộng sự đã nghiên cứu và cho ra đời chiếc máy sấy đời đầu tiên “F1” và tiếp sau đó là các thế hệ máy sấy “F2”, “F3”; được ứng dụng tiên phong tại đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, máy sấy thế hệ “F3” được gọi là “Máy sấy đảo chiều không khí” đã đạt giải ba VIFOTEC (Giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ Việt Nam) năm 2005. Hàng ngàn sản phẩm đã được thợ cơ khí theo mẫu và cải tiến cung cấp ra thị trường; công nghệ này cũng được chuyển giao và xuất khẩu sang nhiều nước trong khu vực châu Á, như: Myanmar, Bangladesh Philippines... Năm 2010, ông được nhận giải thưởng cựu nghiên cứu sinh xuất sắc của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI).

Từ năm 2005 đến nay, cùng với các cộng sự, ông đã tích cực khuyến nông về “San phẳng đồng ruộng điều khiển bằng laser”để mở rộng lô thửa, thuận tiện cho cơ giới hóa.

Giới báo chí vẫn tôn vinh nông dân lớp 3, lớp 6 là các nhà sáng chế máy móc nông nghiệp cùng với những lời dè bỉu những tiến sĩ, giáo sư trong ngành cơ khí nông nghiệp đâu rồi. Nông dân rất  xứng đáng được tôn vinh, nhưng cần phải thấy vế thứ 2: cùng với vài chục nông dân được báo chí và Nhà nước ca ngợi là hàng trăm “nhà sáng chế” nông dân đã vỡ nợ hoặc thua lỗ, âm thầm ra khỏi cuộc chơi. Ở đây, nông dân cần được tiếp sức về khoa học - kỹ thuật, từ nghiên cứu đến chuyển giao ứng dụng.

Trong khi đó, nguyên nhân khiến kỹ sư cơ khí thất thế bắt đầu từ sai về nghiên cứu. Vì máy móc phải tương tác với thủy lợi, đất đai, cây trồng, khí hậu... Ví dụ như sau một trận mưa, đất nhão bết dính thì không loại máy nào sử dụng được. Vì vậy, đáng lẽ về nghiên cứu cơ bản, chúng ta phải “nép theo” các điều kiện tự nhiên của vùng nhiệt đới như: mưa ào ạt, đất nhão, dính…và giải quyết vấn đề này. Chúng ta vẫn sử dụng hệ máy kéo ở các xứ ôn đới Âu, Mỹ có điều kiện tự nhiên, khí hậu khác hẳn. Và như nông dân từng phản ánh, đất đồi làm sao đem máy cày vào cày bừa, gieo xới mà cần 1 cái máy xúc có thể đào hố trồng cây. Đây là nhu cầu thiết thực của nông dân, nhưng nghiên cứu không làm vì nghiên cứu tách khỏi thực tế sản xuất.

Hơn 40 năm qua, nghiên cứu cơ khí nông nghiệp do các viện, trường thực hiện đạt nhiều thành tựu “trong nhà” hơn là “ngoài đồng”. Máy móc thực sự ngoài đồng chủ yếu do “sàng lọc tự nhiên” và số lượng không nhiều.

Ngoài ra, cơ giới  hóa là để làm quy mô lớn, thế mà đồng ruộng vẫn manh mún với những lô thửa 400 m2. Việc dồn điền đổi thửa đáng lẽ phải làm sớm hơn và kết quả hơn. Một yếu tố khách quan cản trở khác là mối liên kết lỏng lẻo giữa doanh nghiệp và nông dân để hướng đến thị trường lớn, đòi hỏi cơ giới hóa để có chất lượng đồng đều, giá thành hạ.

* Theo ông, cần phải thay đổi những gì để khắc phục những khiếm khuyết trên?

- Bắt đầu từ việc cần đào tạo lại, nghiên cứu lại nếu không vẫn tiếp tục lạc hậu như đã diễn ra mấy mươi năm qua. Vì nội dung các trường đào tạo không phục vụ thực tế, người ta vẫn nói vui điều gì nông dân cần thì kỹ sư cơ khí nông nghiệp không biết, điều gì nông dân không cần thì kỹ sư biết. Cái sai trong đào tạo làm cho 97% kỹ sư cơ khí nông nghiệp không làm đúng ngành nghề. Trước đây có 5 trường đại học đào tạo kỹ sư cơ khí nông nghiệp, nhưng nay chỉ Trường đại học nông lâm còn kiên trì đào tạo (gần đây có thêm Học viện Nông nghiệp Hà Nội bắt đầu tuyển sinh) nhưng rất khó tuyển sinh, nhất là thu hút được sinh viên giỏi.

Ứng dụng cơ giới hóa vào thu hoạch lúa tại xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu (ảnh: MH)
Ứng dụng cơ giới hóa vào thu hoạch lúa tại xã Bình Hòa, huyện Vĩnh Cửu (ảnh: MH)

Có câu nói: “Biết để yêu, yêu để biết nhiều hơn”. Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên phải được tiếp xúc với nông nghiệp, nông thôn và nông dân mới manh nha ra tình yêu đất đai, cây cỏ, nông dân nghèo khó... đang cần kỹ thuật hỗ trợ. Cần hỗ trợ cho các luận văn tốt nghiệp của sinh viên để ra đồng; cần một quỹ nghiên cứu dưới dạng học bổng hỗ trợ sinh viên làm đề tài. Tuy nhiên, hỗ trợ chỉ là bước đầu, bản thân sản xuất nông nghiệp phải sinh lợi để nuôi sống nghiên cứu.

PHẢI ĐI TỪ NHU CẦU THỰC TẾ

 * Ông đánh giá về cơ giới hóa nông nghiệp của Việt Nam hiện nay như thế nào?

- Việt Nam có nhiều doanh nghiệp thành công trong sản xuất máy móc nông nghiệp nhưng chủ yếu chỉ ở cây lúa. Phải nói cơ giới về cây lúa của Việt Nam có nhiều tiến bộ, tiến bộ này là nhờ sự góp sức của nhiều người chứ không phải của riêng kỹ sư nông nghiệp. Còn với cây trồng cạn, như: bắp, đậu, mía... ngoài cái cày phục vụ khâu làm đất ra hầu như không có gì cả nên tôi vẫn nói vui là “cơ giới hóa toàn cuốc”.

Cơ giới hóa nông nghiệp không có gì xa vời, nó nằm trong những điều cụ thể, đồng bộ. Điều đầu tiên là phải xây dựng đội ngũ mà tôi gọi là kỹ sư cơ khí nông nghiệp kiểu mới, cơ khí phải đi với công trình nông nghiệp, như: thủy lợi, chuồng trại... . Kỹ sư cơ khí nếu cứ tách riêng, không có “hành trang” về các kết quả nghiên cứu tổng hợp, thì dù giỏi máy móc cũng chỉ như là anh chàng thợ sửa máy nổ thôi.

 * Thời điểm này có những điều kiện nào thuận lợi để đẩy mạnh cơ giới hóa so so với 40 năm về trước?

- “Thuận lợi” là không thay đổi thì ta sẽ chết! Vì khi xác định vào TPP, việc cơ giới hóa không thể chậm được nữa; nếu không thay đổi thì nông dân Việt Nam sẽ chỉ đi làm thuê trên mảnh đất của mình.

 * Về mặt chính sách, cần điều gì để đẩy mạnh phát triển cơ giới nông nghiệp, thưa ông?

- Chính sách phải khuyến khích những việc cần làm, đơn giản vậy thôi. Các đề nghị cải đổi nghiên cứu và đào tạo nói trên chỉ là điều kiện cần nhưng chưa đủ nếu không có những chính sách kèm theo. Và giải đáp cho câu hỏi về mặt chính sách phải do Nhà nước, do chính quyền từng địa phương trả lời. Trong đó, những nội dung cần quan tâm, như: khuyến khích đào tạo và nghiên cứu; khuyến khích mở rộng quy mô canh tác, dồn điền, đổi thửa; khuyến khích phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo máy nông nghiệp ở cấp địa phương... Từ đó, tạo cơ hội cho các kỹ sư thế hệ mới làm việc đúng ngành nghề, đưa nông nghiệp Việt Nam thoát khỏi tụt hậu.

 * Ông có những mối duyên lành nào với đất Đồng Nai?

- Tôi đã tham gia việc cơ giới hóa cho cây mía tại Đồng Nai năm 2005 - 2007. Từ thực tế làm việc với Công ty cổ phần mía đường La Ngà (huyện Định Quán), tôi đã rút ra được bài học thấm thía để biết nếu chỉ có cái máy thì không làm được gì nhiều, mà còn đất, còn trời; nghiên cứu phải gắn với thực tế. Năm 2014, tôi cũng có dịp theo dõi và tư vấn cho một hợp tác xã tại huyện Xuân Lộc ứng dụng máy thu hoạch bắp.

* Xin cảm ơn ông! 

                                                                                                                                                                                                                                 

Theo báo Đồng Nai

Bình Nguyên (thực hiện)

Chia sẻ:
Về đầu trang