Tin tức

Phát triển hệ thống sấy - giải pháp nâng cao chất lượng, giảm thất thoát sau thu hoạch

02:54 | 22/07/2014

Theo Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 của Chính phủ về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản; tổn thất sau thu hoạch trên lúa khoảng 11-13% nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do việc ứng dụng cơ giới hóa trong khâu làm khô chưa được áp dụng rộng rãi và người dân vẫn chủ yếu thực hiện làm khô lúa bằng ánh nắng mặt trời.

Mục tiêu của Nghị quyết 48 đặt ra phải làm sao giảm thất thoát lúa sau thu hoạch xuống còn 5 - 6%. Để thực hiện chủ trương này, việc đầu tư phát triển hệ thống sấy công nghiệp tập trung là yêu cầu cấp thiết. Chính vì vậy ngày 16/10/2012 UBND tỉnh đã có Quyết định phê duyệt Đề án phát triển cơ điện sơ chế, chế biến, bảo quản nông lâm sản sau thu hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2012 - 2017. Trong đó, Dự án phổ biến công nghệ sấy và máy sấy đa năng là một trong những dự án điểm thuộc Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 1776/QĐ-UBND ngày 20/5/2013.

Trong quá trình triển khai thực hiện, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh đã phối hợp đơn vị tư vấn là Trung tâm Năng lượng và Máy nông nghiệp - Trường Đại học Nông Lâm Tp.HCM thực hiện nghiên cứu, chế tạo mô hình máy sấy đa năng (SRA). Đây là loại máy sấy vỉ ngang có đảo chiều không khí, công suất từ 10 - 16 tấn/mẻ tùy từng loại nông sản (lúa, bắp, cà phê, khoai mì, …) với thời gian và nhiệt độ sấy khác nhau, cụ thể với sấy lúa: công suất 10 tấn/mẻ, thời gian sấy 10 - 12 giờ, nhiệt độ sấy không quá 45oC; với sấy bắp: công suất 12 tấn/mẻ, thời gian sấy 10 - 13 giờ, nhiệt độ sấy 70oC; sấy cà phê: công suất 14 tấn.mẻ, thời gian sấy 25 - 28 giờ, nhiệt độ sấy 70oC; sấy cho khoai mì lát: công suất 16 tấn/mẻ, thời gian sấy 26 - 30 giờ, nhiệt độ sấy 70oC. Trang thiết bị hệ thống sấy gồm: lò đốt cấp nhiệt, quạt hướng trục hai tầng cánh hoạt động bằng động cơ điện 3 pha và buồng sấy. Nhiên liệu dùng để đốt lò bằng vỏ cà phê khô, lượng tiêu thụ khoảng 80 - 90 kg/giờ và một số phụ kiện, thiết bị cần thiết, phù hợp kèm theo.
Sau một thời gian triển khai thực hiện, ngày 03/6/2014 Chi cục Phát triển nông thôn cùng đơn vị tư vấn đã chuyển giao công nghệ sấy và máy sấy đa năng cho hộ ông Lê Văn Sự ngụ ấp Tân Hiệp, xã Long Tân huyện Đất Đỏ. Đến dự có đại diện các ban ngành thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chi cục Phát triển nông thôn, Thanh tra Sở, phòng Quản lý nông nghiệp; Lãnh đạo UBND huyện Đất Đỏ, phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đất Đỏ; đại diện UBND xã Long Tân cùng một số bà con trong khu vực tham quan và chứng kiến toàn bộ hệ thống máy sấy gần như ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu. Nhìn chung, bước đầu máy hoạt động bình thường và  đáp ứng yêu cầu.
Ưu điểm của máy sấy đa năng là không tốn công cào, đảo trong quá trình sấy, lò đốt được thiết kế sử dụng triệt để nguyên liệu đốt và hạn chế khói bụi trong quá trình sấy, tạo ra sản phẩm sấy khô đồng đều được người sử dụng đánh giá rất cao; về tiêu chuẩn kỹ thuật dễ sử dụng, tiết kiệm nguyên liệu đốt và chi phí sấy, phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay, mang lại hiệu quả kinh tế cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.      
Do vậy, nhân rộng mô hình lò sấy nông sản nói chung, sấy lúa nói riêng theo công nghệ đảo chiều gió không khí sẽ là giải pháp tích cực góp phần giảm tổn thất và nâng cao chất lượng nông sản sau thu hoạch của tỉnh.
                                                                                   
                                                                                                       Theo CBNN, Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu
Chia sẻ:
Về đầu trang