Tin tức

Tìm cách tháo gỡ khó khăn cho ngành giống ĐBSCL

14/08/2017, 08:45 (GMT+7)

ĐBSCL hiện có hơn 1.362 cơ sở SX giống lúa, nhưng hiện tại chỉ có 5/13 tỉnh nắm được số cơ sở SX giống (khoảng 700 cơ sở), số còn lại đang hoạt động trôi nổi không quản lý được chất lượng.

Chi hội thương mại Giống cây trồng ĐBSCL đã đưa ra những bất cập trong ngành sản xuất kinh doanh giống ở ĐBSCL tại Hội nghị thường niên ngày 13/8/2017 tổ chức tại Côn Đảo (Bà Rịa Vũng Tàu) và cùng nhau tìm cách tháo gỡ.

Hội nghị tại Côn Đảo

TS Nguyễn Trung Tiền, GĐ Trung tâm giống Nông lâm ngư nghiệp Kiên Giang, Phó chi hội thương mại Giống cây trồng ĐBSCL cho biết: Theo khảo sát của Cục Trồng trọt, ĐBSCL có 546 đơn vị SX giống, trong đó có 64 Cty giống đã đăng ký. Tuy nhiên, chỉ có 24/64 Cty giống lúa đến Viện Lúa ĐBSCL liên hệ tìm mua giống gốc. Như vậy, phần lớn các cơ sở SX tự nhân giống gốc hoặc lấy giống gốc không đúng quy định. Có một số Cty SXKD lúa gạo tự cung cấp giống và bao tiêu sản phẩm không chấp hành Thông tư 46/2015/TT-BNNPTNT về chứng nhận chất lượng và công bố hợp quy.

Theo khảo sát của Cục Trồng trọt thực tế tại một số tỉnh ĐBSCL vào tháng 9/2016, diện tích SX giống lúa xác nhận đã tăng lên 57%. Trong đó, có một số tỉnh có tỷ lệ sử dụng giống lúa xác nhận trên 70% như: An Giang, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ. Tuy nhiên, nguồn giống xác nhận trên chủ yếu là từ các cơ sở SX giống trong mạng lưới nhân giống của nông dân tự nhân là chính. Hội nghị cũng thẳng thắn báo cáo vấn đề này ra để tìm cách tháo gỡ, chấn chỉnh lại thị trường lúa giống trong thời gian tới.

Một số Hội viên trong Chi hội cũng cho rằng, công tác quản lý giống trong vùng ĐBSCL thời gian qua chưa đồng bộ do thiếu tổ chức ngành từ tỉnh xuống cơ sở. Cán bộ thanh tra chuyên ngành tại địa phương còn hạn chế, hiện tượng cung ứng giống không đạt chuẩn, chất lượng còn phổ biến.

TS Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL cho rằng: Những năm gần đây, Viện Lúa ĐBSCL tham gia rất mạnh vào lĩnh vực SXKD giống, ngoài vấn đề chọn tạo giống. Viện đang hợp tác tích cực với một số Cty và Trung tâm giống trong và ngoài vùng ĐBSCL để chọn tạo và khảo nghiệm chuyển giao giống.

Đối với tình hình thực hiện tác quyền, Viện Lúa ĐBSCL đang thực hiện với hai hình thức. Thứ nhất, là chuyển giao độc quyền. Thứ hai, là chuyển giao quyền sử dụng. Tuy nhiên, chuyển giao theo hình thức độc quyền đang rất cân nhắc. Còn hình thức chuyển giao quyền sử dụng, Viện Lúa đang ký kết với 20 đơn vị, trong đó có 12 đơn vị sự nghiệp và 8 DN.

Ông Nguyễn Văn Hồng, GĐ Cty CP Giống Cây trồng Đồng Tháp đề nghị: Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia cần cân nhắc lại mức giá kiểm định cho hợp lý. Hiện nay, giá kiểm nghiệm một mẫu còn quá cao, hơn nữa kết quả kiểm nghiệm quá lâu, không kịp thời vụ. Hiện nay, một số phòng kiểm nghiệm ở ĐBSCL đã được cấp giấy phép nhưng hết hạn chưa được cấp phép lại. Hơn nữa, một số giống đã được công nhận là quốc gia rồi tại sao khi đưa tới khu vực khác lại phải khảo nghiệm lại.

Ông Phan Văn Liêm, GĐ Trung tâm Giống Nông nghiệp thủy sản Bạc Liêu, kiêm Chi Hội trưởng Chi hội thương mại Giống cây trồng ĐBSCL cho biết: Tính đến nay, Chi hội thương mại Giống cây trồng ĐBSCL có 24 thành viên gồm các Trung tâm, Cty Giống và một vài DN tư nhân. Tuy nhiên, các vấn đề còn tồn tại của ngành giống hiện nay là việc hợp tác vẫn chưa đi vào chiều sâu, thiếu việc liên kết các đơn vị thành mạng lưới. Qua đó, đề nghị các hội viên cần phải tích cực liên kết để chấn chỉnh lại ngành giống ĐBSCL trong thời gian tới.

Diện tích nông dân sử dụng giống lúa xác nhận ở ĐBSCL ngày được nâng cao

Ông Hà Quang Dũng, GĐ Trung khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng Quốc gia cho rằng: Các trung tâm giống ở ĐBSCL có kinh nghiệm, tiềm lực và cơ sở vật chất tốt nhưng nông dân sử dụng giống xác nhận còn thấp so với các vùng khác. Ông Dũng cũng phân trần rằng: Không phải Trung khảo kiểm nghiệm giống, sản phẩm cây trồng quốc gia là độc quyền. Nếu các phòng kiểm định mà hết hạn chưa được cấp phép lại chúng tôi sẽ kiến nghị với Cục Trồng trọt.

Box 1: Hiện nay, chủ trương một số Sở NN-PTNT các tỉnh ĐBSCL vẫn muốn duy trì mô hình TT giống hoặc TT Ứng dụng NNCNC. Tuy nhiên, nhìn sự phát triển giữa hai loại mô hình này đã thấy rõ mô hình TT giống hoặc TT Ứng dụng NNCNC hoạt động chỉ cầm chừng, trong khi đó lợi nhuận mô hình Cty CP giống phát triển thấy rõ. Cụ thể, Cty CP Giống nông nghiệp đã chứng minh được điều này.

Box 2: Ông Lê Hồng Nhu, Tổng thư ký Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam: Bản quyền giống ở ĐBSCL chưa hoạt động trơn tru. Theo Luật bản quyền, tác giả mới có quyền bán đứt. Ở Viện Lúa đang áp dụng cả hai về bản quyền, vừa bán đứt vừa chuyển nhượng. Tôi nghĩ Viện Lúa ĐBSCL nên ưu tiên cho anh em trong Chi hội về việc sử dụng bản quyền các giống lúa của Viện.

Theo THÙY LINH, báo NNVN

Chia sẻ:
Về đầu trang