Dịch vụ

CẨM NANG GIỚI THIỆU MÁY MÓC THIẾT BỊ CƠ BẢN PHỤC VỤ SƠ CHẾ BẢO QUẢN CÀ PHÊ SAU THU HOẠCH

LỜI GIỚI THIỆU

Lâm Đồng là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về diện tích và sản lượng cà phê, hiện toàn tỉnh có 151.565 ha (cà phê vối 87,3%, cà phê chè 10,8%, cà phê mít 1,9%), trong đó diện tích cà phê đang thời kỳ kinh doanh 141.752 ha, năng xuất bình quân đạt 2,61 tấn cà phê nhân/ha, tổng sản lượng trong năm khoảng 369.972 tấn cà phê nhân, ước giá trị khoảng 12.949 tỷ đồng. Hiệu quả từ hoạt động sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản  tiêu thụ sản phẩm cà phê có ảnh hưởng tới đời sống của trên 114.000 hộ/tổng số 155.000 hộ dân nông thôn và tiếp tục gia tăng theo từng năm.

Sản lượng cà phê quả tươi sau thu hoạch được sơ chế tại hộ sản xuất là chủ yếu, tỷ lệ này chiếm khá cao khoảng 85% tổng sản lượng cà phê quả tươi toàn tỉnh, phổ biến nhất vẫn là sơ chế theo phương pháp khô, quả cà phê được phơi dưới nắng tự nhiên hoặc sấy nguyên quả đến độ ẩm khoảng 14-15 % sau đó dùng máy tách vỏ quả và sản phẩm thu được là cà phê nhân xô. Tính đến hết năm 2013 toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 67 doanh nghiệp và 564 hộ hoạt động thu mua, chế biến cà phê, tuy nhiên hầu hết các đơn vị này mới chỉ dừng lại ở hoạt động thu mua, sơ chế thành cà phê nhân xô sau đó bán lại cho các doanh nghiệp thu mua chế biến cà phê xuất khẩu trong và ngoài tỉnh. Hiện trên địa bàn mới chỉ có 03 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê trực tiếp từ Lâm Đồng ra nước ngoài, sản lượng cà phê xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài của Lâm Đồng hàng năm khá thấp chiếm tỷ lệ khoảng 20% tổng sản lượng cà phê nhân toàn tỉnh.   

Nhìn chung, tình hình sản xuất, chế biến bảo quản cà phê của tỉnh Lâm Đồng mới chỉ đạt về diện tích và sản lượng,  tuy nhiện sản phẩm cà phê cuối cùng xuất đi từ tỉnh Lâm Đồng chỉ dừng lại ở mức cà phê nhân thô, tỷ lệ cà phê qua chế biến sâu của tỉnh là rất thấp khoảng 0,3%. Mặt khác cho đến nay tỷ lệ cà phê quả tươi được sơ chế ngay tại hộ sản xuất khá cao nhưng lại thiếu phương tiện sơ chế, bảo quản cà phê đúng tiêu chuẩn làm gia tăng tổn thất sau thu hoạch, nên tạo ra sản phẩm cà phê chế biến sau chế biến không đồng đều, làm giảm giá thành và ảnh hưởng đến chất lượng chung của cà phê toàn tỉnh. Hiện nay, tổng tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản cà phê của Lâm  Đồng qua các công đoạn từ thu hái, sơ chế, chế biến bảo quản là khá cao chiếm khoảng 15-16%.

Để giúp nông dân giảm tổn thất cà phê sau thu hoạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn từ hoạt động sơ chế chế biến cà phê; tiến tới hình thành những mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ cà phê theo hướng bền vững, khép kín thì song song với các giải pháp hỗ trợ trực tiếp nông dân đầu tư máy móc thiết bị sản xuất chế biến cà phê, Chi cục Phát triển Nông thôn Lâm Đồng thuộc Sở Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn Lâm Đồng  tổ chức xây dựng và biên soạn Cẩm nang máy móc, thiết bị cơ bản phục vụ sơ chế, chế biến, bảo quản cà phê sau thu hoạch nhằm giúp nông dân chủ động lựa chọn máy móc sơ chế cà phê tốt nhất để tự đầu tư áp dụng trong sản xuất.

Các máy móc, thiết bị trong cuốn cẩm nang được xếp thành các nhóm theo các chức năng sử dụng, trong một nhóm theo thứ tự từ đơn giản đến phức tạp. Mỗi máy móc, thiết bị được giới thiệu gồm: tên, ảnh hoặc bản vẽ, các đặc tính kỹ thuật, đặc điểm và công dụng, cấu tạo, cách sử dụng, giá tham khảo và địa chỉ nhà sản xuất cung ứng. Vì mục đích là giới thiệu và tham khảo nên các thông tin đưa ra hết sức cô đọng, dựa trên các nguồn tài liệu đã công bố và đã áp dụng hiệu quả trong sản xuất từ trước tới nay. Việc đưa ra địa chỉ của các nhà sản xuất và cung cấp chỉ nhằm mục đích giới thiệu cho người đọc có thể liên hệ để tìm hiểu kỹ hơn những thông tin cần thiết khác, chứ không đề cập đến vấn đề quyền tác giả hay chủ sở hữu của máy móc, thiết bị đó.

Chi cục Phát triển Nông thôn Lâm Đồng trân trong cám ơn Trung tâm Năng lượng và Máy Nông nghiệp, Trường Đại học Nông Lâm TP.HCM, ThS Nguyễn Văn Xuân cùng các công sự và các chuyên gia đã có nhiều tâm huyết và công sức để thu thập tài liệu, khảo sát thực tế để phối hợp biên soạn cho cuốn Cảm nang này.

Đây là lần xuất bản đầu tiên, do vậy không thể khỏi những thiếu sót, Chi cục Phát triển Nông thôn Lâm Đồng mong được sự góp ý của tất cả các bạn đọc để lần tái bản sau cuốn Cẩm nang có chất lượng tốt hơn.

Mọi ý kiến đóng góp xin gởi về: Chi cục Phát triển Nông thôn Lâm Đồng số 6 Yên Thế, phường 10, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.

                                                                                                CHI CỤC PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN LÂM ĐỒNG

 

Chia sẻ:
Về đầu trang