Tin tức

QUẠT SẤY

CÁC LOẠI QUẠT DÙNG CHO MÁY SẤY 

Hai loại quạt dùng phổ biến trong hệ thống sấy nông sản là quạt hướng trục và quạt ly tâm.

Quạt hướng trục: Nhận không khí vào và đẩy không khí ra theo cùng hướng với trục quạt (Hình 1).

Ưu điểm của quạt hướng trục là cho lượng gió nhiều hơn và giá thành chế tạo rẻ hơn so với quạt ly tâm cùng công suất, nhưng cho áp suất thấp hơn và có tiếng ồn nhiều hơn. Quạt hướng trục thường được sử dụng cho các hệ thống sấy cần áp suất < 500 Pa.

Quạt ly tâm: Hút không khí vào dọc theo trục rô-to quạt, nhờ lực ly tâm đưa ra quanh vỏ quạt, và đẩy không khí ra theo hướng thẳng góc với trục rô-to (Hình 2).

Quạt ly tâm có ưu điểm cho áp suất cao và ít ồn hơn so với quạt hướng trục cùng công suất, nhưng yêu cầu cao hơn về công nghệ chế tạo, do đó giá thành chế tạo cũng cao hơn. Sử dụng quạt ly tâm ở các hệ thống sấy cần áp suất lớn 600-900 Pa, ví dụ các máy sấy có lớp hạt dày hơn 2 m, máy sấy tầng sôi…

   Hình 1. Quạt hướng trục  

                           Hình 2. Quạt ly tâm                   

Xét về mặt thiết kế và chế tạo, quạt là bộ phận quan trọng nhất của một hệ thống sấy.  Nếu quạt không cấp đủ lượng gió so với yêu cầu, thời gian sấy kéo dài, giảm năng suất sấy, tăng chi phí chất đốt và giảm chất lượng sấy vì ẩm độ cuối không đồng đều. Nếu quạt có hiệu suất thấp, đòi hỏi công suất động lực kéo quạt lớn hơn, dẫn đến tăng lượng nhiên liệu (hay điện năng) tiêu thụ, hậu quả là tăng chi phí sấy và giá đầu tư thiết bị. Ví dụ minh họa cho quạt hướng trục được thiết kế và chế tạo với yêu cầu Q = 4 m3/s và DP = 30 mmH2O, cho thấy: Nếu quạt có hT = 50%, chỉ cần động cơ dầu 6 HP là đủ, hT = 30% cần động cơ dầu 10 HP, nếu hT = 10% sử dụng động cơ dầu 15 HP sẽ bị quá tải.

TẦM QUAN TRỌNG CỦA KHẢO NGHIỆM QUẠT

Rất khó có thể bảo đảm các thông số của quạt chỉ nhờ thiết kế. Rất ít tài liệu về thiết kế quạt với đầy đủ chi tiết. Nếu có thì cũng đầy dẫy các hệ số mà người thiết kế tha hồ tùy chọn! Lý do có lẽ như Beck (1973) đã viết trong lời tựa quyển sách nổi tiếng của ông về quạt:“Quạt là con ghẻ của kỹ thuật, vì nó là mảng kinh doanh hàng triệu đô-la”.

Dù thiết kế đúng, trong chế tạo cũng có thể “sai một ly đi một dặm”. Hàn cánh quạt nghiêng chệch tới hay lui “chút xíu” là đã có thể giảm 30% hiệu suất. Nhưng không dễ thấy được điều này, vì cứ hàn cánh quạt một góc nào đó với hướng gió là thấy “gió ào ào”, yên tâm!

Vì thế có thể khẳng định  mà không sợ quá trớn: Khảo nghiệm là cách duy nhất để bảo đảm các thông số đạt yêu cầu. Chế tạo mà không khảo nghiệm cũng như tiện trục mà không có thước cặp hoặc palmer, như người mù tìm đường. Dĩ nhiên, có khi cũng đi đến nơi, nhưng phải biết bao mò mẫm!

Trong kỹ thuật, để xác định các thông số của quạt, người ta dùng bộ thiết bị đo gọi là “Ống khảo nghiệm quạt” (Fan test duct), Hình 3.   Các dụng cụ cần có là: ống pitot,  dụng cụ đo áp suất, dụng cụ đo công suất điện, nhiệt kế,… (Hình 4).

Ống khảo nghiệm quạt là một ống dài, tạo luồng gió ổn định và một sức cản gió thay đổi tùy theo mức điều chỉnh. Các nước Mỹ, Đức, Nhật,... đều có tiêu chuẩn về ống khảo nghiệm quạt, ví dụ tiêu chuẩn JIS B8330 của Nhật.

Kết quả khảo nghiệm được thể hiện bằng một đồ thị biểu diễn các quan hệ giữa áp suất, hiệu suất, công suất với lượng gió của quạt gọi là đường đặc tính quạt. Hình 1.24 thể hiện đường đặc tính quạt xây dựng từ kết quả khảo nghiệm quạt 4 m^3/s.

Hình 3: Hệ thống khảo nghiệm quạt   

                   Hình 3: Dụng cụ đo khảo nghiệm quạt

XEM VIDEO CLIP QUẠT SẤY KHÔNG THỂ THIẾU CÔNG ĐOẠN NÀY

Chia sẻ:
Về đầu trang